Bóng chuyền nữ Việt Nam và nỗi lo SEA Games 30
Liên tiếp những tranh cãi xảy ra trong thời gian gần đây, cộng thêm thất bại toàn diện tại ASEAN Grand Prix 2019 đã dấy lên hồi chuông báo động cho sự đi xuống của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Kết thúc hai chặng của giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2019 – giải đấu được coi như AFF Cup của bóng chuyền nữ, đội tuyển Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng với 6 trận toàn thua. Trong đó có những trận thua trắng đáng tủi hổ trước Philippines và Indonesia. Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Việt Nam mới nhận thất bại đậm như vậy trước chủ nhà của SEA Games 30. Còn với Indonesia, các tuyển thủ từng để đối thủ này vượt mặt tại kỳ SEA Games gần nhất, chấp nhận vị trí thứ ba khu vực sau tám năm liên tiếp giữ ngôi vị á quân.
Có một thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận, đó là bóng chuyền nữ Việt Nam đang rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay. Những thất bại kể trên chỉ là phần ngọn, bởi cốt lõi vấn đề nằm ở phần gốc, tức cung cách quản lý và làm việc của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV).
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang trong giai đoạn trẻ hóa. Ảnh: VNN.
|
Những lục đục trong nội bộ VFV không phải chuyện "xưa nay hiếm", thế nhưng với thành tích bết bát của bóng chuyền nữ Việt Nam trong hai năm trở lại đây, dư luận có quyền tỏ ra nghi ngại trước sự phát triển của bộ môn được yêu thích thứ hai chỉ sau bóng đá tại Việt Nam.
Chắc hẳn người hâm mộ còn nhớ vụ việc chuyên gia Nhật Bản Hidehiro Irisawa. Đến Việt Nam từ tháng 4/2017 qua sự giới thiệu của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC), Irisawa được kỳ vọng sẽ giúp bóng chuyền nữ Việt Nam nâng tầm. Vì vậy, ông được VFV giao trách nhiệm toàn quyền quyết định về chuyên môn và làm việc với tất cả các đội, từ đội trẻ, đội U23 đến đội tuyển quốc gia. Không mất quá nhiều thời gian, chuyên gia Nhật Bản đã để lại dấu ấn trong công tác huấn luyện cũng như chỉ đạo với tấm huy chương đồng châu Á lịch sử cùng đội tuyển bóng chuyền nữ U23.
Tuy nhiên, cuối tháng 6/2017, vị chuyên gia này đột ngột nghỉ việc, chỉ để lại bức thư dài ba dòng cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn. Nguyên nhân thật sự dẫn đến việc này vẫn còn là dấu hỏi, nhưng cách mà VFV giải thích với truyền thông và người hâm mộ lại là điều đáng bàn. Trong khi ông Phấn phân trần: "Đến lúc này tôi cũng không biết vì sao ông ấy lại quyết định như vậy", thì Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường lại chia sẻ, ông Irisawa thiếu một số giấy tờ cần thiết để hoàn thành thủ tục làm hợp đồng, dù trước đó ông đã dẫn dắt U23 tham gia thi đấu. Bên cạnh đó, nhà cầm quân này cũng có những đòi hỏi về chế độ đãi ngộ và lương bổng. Vì vậy, hai bên đã không thể tìm được tiếng nói chung.
Không dừng lại ở đó, cách "chữa cháy" khi đưa HLV phó Nguyễn Quốc Vũ lên nắm đội cũng khiến báo chí một phen nháo nhào. Bởi quyết định phân công chính thức ban huấn luyện đội vừa được ký ngày 4/7, chưa kịp ráo mực thì chiều 19/7, ông Nguyễn Quốc Vũ đã xin rút lui khỏi cương vị HLV trưởng. Để rồi sau đó, ông Irisawa lại được mời trở lại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 2017.
Mới đây, lại dấy lên lùm xùm khi đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 30 liên quan đến VĐV trẻ triển vọng nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại, Trần Thị Thanh Thúy. Bắt nguồn từ việc CLB bóng chuyền Nhật Bản Denso Airybees muốn mời Thanh Thúy sang thi đấu tại giải VĐQG và đã được đơn vị chủ quản là VTV Bình Điền Long An chấp thuận. Tuy nhiên, ông Trần Đức Phấn lại yêu cầu phía VTV Bình Điền Long An rút lại văn bản để Thanh Thúy về nước tập trung từ ngày 17/11 thay vì 20/11 như thỏa thuận trước đó giữa hai bên. Nếu không tập trung đội tuyển đúng hạn, VFV sẽ đề xuất cấm thi đấu đối với chủ công trẻ tuổi này, dù ông Nguyễn Thành Lâm – Trưởng ban chuyên môn VFV và ông Lê Trí Trường – Tổng thư ký VFV đều ủng hộ Thanh Thúy được thi đấu tại Nhật Bản. VTV Bình Điền Long An cũng khẳng định, bằng mọi giá sẽ tạo điều kiện cho VĐV của mình thi đấu tại nước ngoài vì đó là quyền lợi, thương hiệu và cả tài chính của VĐV. Vụ việc chỉ êm thấm khi CLB Denso Airybees đồng ý trả 10% giá trị hợp đồng cho VFV.
Mâu thuẫn trong nội bộ VFV là điều mà ai cũng nhìn ra được. Tuy nhiên, qua sự việc này, còn nhìn thấy một lỗ hổng trong Quy chế quy định triệu tập HLV, VĐV các đội tuyển quốc gia. Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên được triệu tập là như thế nào, thời gian và thời điểm triệu tập các VĐV sao cho phù hợp với nhiệm vụ của ngành, địa phương cần được tính toán ra sao... phải được nêu rõ và ban hành thành một văn bản cụ thể.
Để nâng cao trình độ phát triển của một bộ môn thể thao bất kì, điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là liên đoàn mỗi nước cần xây dựng một chiến lược căn bản, dài hơi qua từng giai đoạn. Thái Lan, xuất phát điểm là ngang nhau nhưng hiện tại, các cô gái của xứ sở chùa vàng đã vươn tới tầm châu lục, còn bóng chuyền nữ Việt Nam thì ngày một đi xuống. Quyết định bỏ Giải vô địch châu Á 2019 như giọt nước tràn ly, đánh dấu tầm nhìn hạn hẹp của các nhà làm bóng chuyền Việt.
Bắt đầu từ kế hoạch thi đấu năm 2019 mà VFV công bố hồi đầu năm, các đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ dự những giải đấu quốc tế chính thức, gồm: Giải Vô địch U23 châu Á (tháng 7), VTV Cup (tháng 8), Giải Vô địch châu Á (tháng 9) và SEA Games 30 (tháng 11). Tuy nhiên, do Giải Vô địch châu Á 2019 được đẩy lên sớm 1 tháng, công tác chuẩn bị trở nên cập rập nên sau cùng, VFV quyết định không cử đội tuyển tham dự giải đấu này.
Trả lời truyền thông trong buổi gặp mặt báo chí và giới thiệu giải Vô địch U23 châu Á ngày 4/7, ông Trần Đức Phấn cho biết: "Việc ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam không tham dự Giải vô địch châu Á tại Hàn Quốc đã quyết định rồi, phạt thì chúng tôi cũng đã nộp. Lý do VFV không thể cử đội tuyển tham dự giải đấu là do Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) tự ý đổi lịch thi đấu của giải. Điều này dẫn tới việc ngày 10/8 kết thúc giải VTV Cup thì chỉ một tuần sau (ngày 17/8), Giải vô địch châu Á đã khởi tranh. Do hai giải đấu diễn ra quá gần nhau nên chúng tôi phải chọn một giải để tham dự chứ cố đi dự giải châu Á mà không đạt kết quả tốt cũng không hay."
Lời giải thích có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng xét cụ thể, dường như ông Phấn đã quá tự ti về trình độ của ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam, hoặc giả như, VTV Cup là giải đấu "truyền thống" đến nỗi không thể không tham dự. Theo kết quả bốc thăm, tại giải Vô địch châu Á 2019, Việt Nam cùng bảng với Trung Quốc, Sri Lanka và Indonesia. Ngoại trừ Trung Quốc với đẳng cấp vượt trội, hai đối thủ còn lại đều không mạnh hơn Việt Nam. Cơ hội chiếm vị trí nhì bảng là khá rộng đối với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Giải đấu cũng là dịp để bóng chuyền tìm kiếm cơ hội dự Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản). Và dù kết quả thế nào, việc được cọ xát với các đối thủ mạnh cũng giúp các tuyển thủ tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, bản lĩnh thi đấu, thay vì năm nào cũng vắt sức tại VTV Cup – giải đấu được cho là ngày càng đi xuống về mặt chuyên môn và tính hấp dẫn, khi chất lượng khách mời giảm thiểu rõ rệt.
Quyết định bỏ giải châu Á tạo làn sóng phản đối bao nhiêu, thì việc để ĐT Việt Nam tham dự giải ASEAN Grand Prix 2019 lại khó hiểu bấy nhiêu. Năm nay là năm đầu tiên giải này được tổ chức, thi đấu theo thể thức 2 chặng, chặng 1 tại Thái Lan, chặng 2 tại Philippines với bốn đội tham dự. Trước đó, ĐT Việt Nam đã dự 3 giải đấu: Asian Peace Cup, Vô địch U23 châu Á, VTV Cup chỉ trong khoảng 40 ngày với đội hình không mấy thay đổi, các tuyển thủ nữ có dấu hiệu quá tải, thậm chí vài vị trí chủ chốt chấn thương rất nặng. Hơn thế, việc thi đấu với tần suất dày đặc còn ảnh hưởng đến điểm rơi phong độ tại SEA Games cuối năm.
Bên cạnh đó, VFV còn dời lịch thi đấu vòng 2 Giải vô địch Quốc gia 2019 từ tháng 9 đến cuối năm, và có thể lấn sang hẳn đầu năm 2020. Ai dám đảm bảo các tuyển thủ sẽ thi đấu hết sức, toàn tâm toàn ý cho SEA Games 30, để rồi trở về CLB với thể trạng rệu rã, không thể cống hiến trọn vẹn cho nơi đang trả lương, thưởng cho mình?
Có thể thấy, việc thiếu đường hướng cụ thể đang gây ra nhiều rắc rối cho VFV và những hệ lụy không tốt cho bóng chuyền nữ nước nhà. Nhưng trước khi cho ra một chiến lược bài bản, thiết nghĩ, VFV cần cải tổ lại bộ máy để những người vừa có tâm, vừa có tầm thực hiện đúng chức năng, phận sự của mình đã.
Ngoài những vấn đề nội bộ, VFV còn xảy ra bất đồng với các CLB. Trước trường hợp của Trần Thị Thanh Thúy, một VĐV khác cũng dính vào rắc rối tập trung đội tuyển, đó là Nguyễn Thị Bích Tuyền. Trong khi CLB chủ quản là Truyền hình Vĩnh Long không cho Bích Tuyền lên tuyển vì chấn thương, thậm chí ông Nguyễn Thanh An, Ủy viên Ban Chấp hành VFV, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, đã gửi công văn cho Tổng cục TDTT, VFV và Trung tâm HLQG Hà Nội để báo cáo tình hình chấn thương kèm các giấy chứng nhận kiểm tra y khoa, thì VFV vẫn cương quyết yêu cầu VĐV này ra Hà Nội xác nhận có đúng là chấn thương hay không.
Việc Truyền hình Vĩnh Long quyết liệt giữ Bích Tuyền ở nhà là dễ hiểu, bởi tấm gương của VTV Bình Điền Long An vẫn còn đó. Trong đợt triệu tập chuẩn bị cho VTV Cup 2019, lãnh đạo CLB này cũng xin phép cho chủ công Dương Thị Hên vắng mặt vì chấn thương, nhưng VFV yêu cầu ra tập trung, nếu có chấn thương sẽ chữa trị. Sau khi tập trung, HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn đưa Dương Thị Hên vào sân thi đấu khiến cô dính thêm chấn thương sụn gối, dây chằng chéo, dây chằng sau...và phải trả về CLB. Chưa dừng lại ở đó, mấy ngày sau, VFV tiếp tục triệu tập Dương Thị Hên ra Hà Nội xem xét mức độ chấn thương, rồi mới quyết định không triệu tập VĐV này đến hết năm.
Nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng này nằm ở việc thiếu niềm tin giữa hai bên. CLB không tin tưởng VĐV của mình có chế độ đãi ngộ tốt khi lên tuyển, chẳng may gặp chấn thương cũng không được chăm sóc, chữa trị kịp thời. VFV thì nghi ngờ việc CLB cố tình "giấu quân", thiếu trung trực khi cung cấp tình trạng của VĐV. Tuy nhiên, để dẫn đến cơ sự này, rõ ràng VFV phải chịu một phần trách nhiệm. Thay vì đòi kỷ luật CLB hay VĐV, Liên đoàn nên chịu khó lắng nghe nhiều hơn. Hãy để việc được gọi tập trung đội tuyển là một niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi VĐV, chứ không phải là mang thêm gánh nặng vì sự ép buộc.
Tình hình tài chính của Liên đoàn nhiều năm qua không mấy khả quan. Để chuẩn bị cho giải vô địch U23 châu Á hồi tháng 6, hai đội tuyển bóng chuyền U23 nam và U23 nữ Việt Nam đã hội quân tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, các đội tuyển đều tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, từ bóng tiêu chuẩn (bóng theo tiêu chuẩn của AVC và thế giới), trang phục cơ bản như quần áo, giày, tất đến việc tập trong nhà thi đấu nóng bức không có điều hoà, quạt máy hay thiếu các đội ngũ y tế chăm sóc.
Trước giải đã vậy, vào giải cũng chẳng khá hơn. Ban huấn luyện đội U23 nữ còn phải...bỏ tiền túi thuê bác sĩ bên ngoài vào giúp các tuyển thủ hồi phục thể lực trước trận tranh giải Ba gặp U23 Thái Lan. Thi đấu trên sân nhà nhưng đội ngũ chăm sóc cho chính đội chủ nhà lại thiếu thốn, chứng tỏ công tác tổ chức cực kì thiếu chuyên nghiệp. Tình cảnh tréo ngoe này một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Vai trò của VFV nằm ở đâu?
Nếu cứ để chế độ đãi ngộ ở CLB cao hơn ở tuyển gấp nhiều lần như hiện tại, việc các VĐV không còn mặn mà khi được gọi tập trung đội tuyển là tất yếu. Đến lúc đó, những hình thức kỉ luật hay biện pháp răn đe có lẽ đã hết tác dụng.
Trong khi các đối thủ đều chọn Nhật Bản là nơi rèn quân thì Việt Nam lại tiếp tục chọn cách "đóng cửa" tập chay trong nước thay vì tập huấn nước ngoài. Đội thi đấu giao hữu với CLB Thông tin Liên Việt Postbank và phải rất khó khăn mới giành chiến thắng 3-2 sau 5 set. Dấu hỏi chuyên môn được đặt ra khi ĐTQG lại chỉ đánh ngang ngửa một CLB trong nước.
Bên cạnh đó, đội hình tham dự SEA Games lần này của ĐT nữ Việt Nam là đội hình trẻ nhất trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bóng chuyền nữ Việt Nam không có "lão tướng" nào còn sót lại từ thế hệ của Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Kim Huệ, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Yến hay Hà Thị Hoa.
Tổng thứ ký VFV Lê Trí Trường từng phát biểu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của bóng chuyền nữ Việt Nam là giành HCB SEA Games 30. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích bết bát trong thời gian qua, những khó khăn đội tuyển đang gặp phải cộng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Indonesia và quyết tâm cao của Philippines khi gọi các tuyển thủ nhập tịch, thật khó để chúng ta đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bóng chuyền nữ tại SEA Games 30 có bốn đội tham dự, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Các đội sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, hai đội xếp nhất nhì tranh HC vàng, đội xếp 3-4 tranh HC đồng. Việt Nam ra quân gặp chủ nhà Philippines vào ngày 3/12.
Thủy Tiên
SEA Games 30 diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại Philippines với 56 môn thi đấu, tranh 529 bộ huy chương, trở thành kỳ đại hội có số môn thi đấu nhiều nhất lịch sử. Đoàn Việt Nam tham gia hơn 40 bộ môn với mục tiêu giành 65 đến 70 HC vàng.
VnExpress mở chuyên trang SEA Games 30 để cập nhật những thông tin nhanh và hấp dẫn nhất với sự đồng hành của tập đoàn bất động sản An Gia.
Post a Comment