Header Ads

Thể dục dụng cụ Việt Nam: Vượt khó dự SEA Games 30

Chưa khi nào thể dục dụng cụ - bộ môn được coi là mỏ vàng của thể thao Việt Nam lại đối mặt với nhiều thách thức đến vậy trước thềm một kỳ SEA Games. 



Đinh Phương Thành là một trong những gương mặt sáng giá của TDDC Việt Nam hiện nay. Ảnh: Đức Đồng.
Tại giải vô địch TDDC thế giới diễn ra ở Stuttgart, Đức hồi tháng 10, VĐV 19 tuổi người Philippines, Carlos Yulo đã làm nên kỳ tích khi giành HCV nội dung thể dục tự do, đánh bại hai đối thủ mạnh đến từ Israel và Trung Quốc. Chàng trai trẻ này đã ghi danh vào lịch sử khi trở thành VĐV Đông Nam Á đầu tiên đứng lên bục cao nhất của bộ môn trong top 3 Olympic. Với ngôi vị vô địch thế giới, Yulo nghiễm nhiên có một suất dự Olympic Tokyo 2020. Anh cũng là gương mặt trẻ tuổi nhất trong số những VĐV sở hữu tấm vé này.
Chứng kiến thành tích này, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên. Bởi chính một năm trước cũng tại giải vô địch thế giới, Carlos Yulo mới chỉ chạm tay vào tấm HCĐ. Nhưng với VĐV Lê Thanh Tùng - người từng chạm mặt Yulo trên sàn đấu, anh cho rằng đây là kết quả tất yếu: "Tuy còn nhỏ tuổi nhưng trình độ của em ấy khá là cao, các động tác cũng khá là khó. Em ấy sống ở bên Nhật và được HLV của Nhật kèm cặp nên tiến bộ rất nhanh". 
Với đà thăng tiến mạnh mẽ, chắc chắn Carlos Yulo sẽ là một đối thủ nặng ký của TDDC nam Việt Nam. Được thi đấu trên sân nhà cùng sự cổ vũ của khán giả, VĐV trẻ tuổi này hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt cho tấm HCV SEA Games 30. 
Một thiệt thòi khác của TDDC Việt Nam tại SEA Games 30 sắp tới đó là việc BTC gạt nội dung đồng đội nam khỏi nội dung thi đấu. Đây là nội dung thế mạnh của chúng ta bởi ở hai kỳ SEA Games gần nhất, chúng ta đều giành HCV ở nội dung này với thành tích vượt trội so với các đối thủ. 
Trong bối cảnh cánh chim đầu đàn Phạm Phước Hưng không lên tuyển, những niềm hy vọng vàng được đặt ở Thanh Tùng (nhảy chống), Đặng Nam (vòng treo) và Phương Thành (xà kép-xà đơn). Đặc biệt, Thanh Tùng sẽ là cái tên sáng giá nhất khi anh vừa giành chiếc vé thứ 2 dự Olympic Tokyo 2020 cho thể thao Việt Nam sau một loạt thành tích ấn tượng tại giải vô địch TDDC thế giới 2019.
Trước những khó khăn này. HLV Trương Minh Sang nhận định: "Tôi nghĩ rằng SEA Games năm nay là một SEA Games rất khó khăn với đội tuyển TDDC Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi phải nhìn vào đó, những khó khăn đó là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn".
Trong khi đội nam đang sở hữu lứa VĐV đầy triển vọng, thì đội nữ vẫn...lao đao. Kể từ khi Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh hay Phan Thị Hà Thanh giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện, đội tuyển TDDC nữ Việt Nam chưa tìm ra lớp kế cận xứng đáng. SEA Games 29 tại Malaysia, trong khi đội nam xuất sắc mang về 5 tấm HCV, đội nữ đã không giành được bất kỳ tấm huy chương nào. Thành tích khả dĩ nhất của các VĐV nữ là xếp vị trí thứ 4 nội dung cầu thăng bằng của Trương Khánh Vân.
Năm nay, niềm hy vọng được đặt vào Trần Đoàn Quỳnh Nam và Nguyễn Tienna Katelyn - 2 VĐV vừa giành huy chương ở cúp thế giới 2019. Tuy nhiên, các VĐV này còn rất trẻ, chỉ mới 17 tuổi và lần đầu tiên chính thức trình làng tại SEA Games. Kinh nghiệm thi đấu không nhiều cộng thêm tâm lý còn yếu, khả năng cạnh tranh với các đối thủ mạnh trong khu vực không được đánh giá cao. Nhất là khi nữ hoàng TDDC của Malaysia, Farah Ann - VĐV đang giữ ngôi vị quán quân ở hai kỳ SEA Games gần nhất tiếp tục tranh tài tại kỳ đại hội này.
Việc thiếu nguồn lực vẫn là bài toán đau đầu của các nhà chuyên môn, bởi quá trình đào tạo các VĐV nữ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả ở các cường quốc TDDC như Mỹ và Trung Quốc, phần lớn các VĐV nữ đều giải nghệ trước tuổi 25, bởi phong độ của họ bắt đầu đi xuống khi bước qua tuổi 20. Hơn thế, các VĐV nữ còn phải chịu áp lực khủng khiếp từ dư luận. Đơn cử như trường hợp của chính Farah Ann, khi cô đối mặt với làn sóng phản đối từ cư dân mạng vì theo đạo Hồi nhưng lại ăn mặc hở hang trong khi thi đấu. Sự việc căng thẳng đến mức Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia phải can thiệp và kêu gọi người hâm mộ ngừng chỉ trích Farah Ann.
Tại Việt Nam, công tác đào tạo trẻ vẫn được chú trọng, tuy nhiên, để tạo ra những Hà Thanh thứ 2, thứ 3, chúng ta bắt buộc phải kiên nhẫn. HLV Đỗ Thùy Giang đoàn TDDC Hà Nội phân tích: "Đào tạo VĐV TDDC không thể làm đại trà, mà nó như việc chúng ta phải tìm kiếm, phát hiện, chăm sóc, tạo tác những hạt ngọc tinh xảo. Phải gọt giũa, chau chuốt từng tí một".
Mục tiêu của TDDC Việt Nam tại SEA Games 30 là giành hai đến ba HC vàng. So với thành tích ở các kỳ đại hội trước, con số này quả là khiêm tốn. Dù vậy, đây là mục tiêu khả thi nhất của đội tuyển TDDC hiện tại.
Thủy Tiên
SEA Games 30 diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tại Philippines với 56 môn thi đấu, tranh 529 bộ huy chương, trở thành kỳ đại hội có số môn thi đấu nhiều nhất lịch sử. Đoàn Việt Nam tham gia hơn 40 bộ môn với mục tiêu giành 65 đến 70 HC vàng.
VnExpress mở chuyên trang SEA Games 30 để cập nhật những thông tin nhanh và hấp dẫn nhất với sự đồng hành của tập đoàn bất động sản An Gia.

No comments

Powered by Blogger.